![]() |
Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 20-01-2014 |
Công ty CP Bơm Động Lực(Dynamic Pumps JSC) xin trân trọng giới thiệu "Bản tin Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 20-01-2014":
* Đáng chú ý trong ngày:
- Economist Corporate Network: Việt Nam xếp thứ 7 về điểm đến đầu tư hàng đầu châu Á năm 2014, tụt 3 bậc so với 3 năm trước đó.
- Ở miền Bắc, 60% mỏ khoáng sản do doanh nghiệp đến từ Trung Quốc khai thác.
DIỄN BIẾN NỘI ĐỊA
* Tài chính – Ngân hàng:
Thống đốc NHNN Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị 01 yêu cầu các tổ chức tín dụng ưu tiên tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, các dự án trọng điểm, dự án lớn có hiệu quả và các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế (VTV, 20-1).
* Bất động sản:
Sáng 19-1, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Nam cầu Bến Thủy 2 – đường tránh TP Hà Tĩnh đã thông xe, vượt tiến độ 9 tháng, tiết kiệm vốn đầu tư hơn 450 tỷ đồng. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 2.430 tỷ đồng, theo hình thức BOT (xây dựng- kinh doanh – chuyển giao), do Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (CIENCO 4) làm chủ đầu tư. Tuyến đường dài hơn 35km, rộng hơn 20m (có dải phân cách giữa), với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ (Tiền phong, 20-1).
* Tiền tệ:
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (20-1), giá vàng SJC tại thị trường TP HCM niêm yết 35,17 – 35,23 (mua và – bán ra) triệu đồng/lượng, tăng 40.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên chiều cuối tuần (19-1).
Trên thị trường thế giới, giá vàng niêm yết ở mức 1.257 USD/oz. Quy đổi ra tỷ giá Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 31,97 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 3,23 triệu đồng/lượng (VOV, 20-1).
* Thị trường chứng khoán (HOSE/HNX):
UBCK vừa công bố thực trạng các CTCK và công ty quản lý quỹ trên TTCK Việt Nam. Theo đó, 80/100 CTCK hoạt động bình thường, 20 CTCK thuộc diện cần phải tái cấu trúc, trong khi đó, về phía công ty quản lý quỹ, 41 công ty hoạt động bình thường và 7 công ty thuộc diện tái cấu trúc (Trí thức trẻ, 18-1).
Theo dõi diễn biến TTCK: Vào chợ mỗi ngày TTCK 20-1-2014
* Vĩ mô:
Cuối tuần qua Bộ Công Thương đã công bố Chỉ số hợp tác Việt Nam 1995- 2012 đánh giá xu hướng hợp tác giữa Việt Nam với 9 đối tác chiến lược (ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand). Trong quan hệ với 9 đối tác chiến lược, chỉ số hợp tác với Trung Quốc có mức tăng lớn nhất, tăng 33 lần. Đứng ở vị trí kế tiếp với mức tăng 30 lần là New Zealand, tiếp theo là ASEAN, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Canada cùng tăng 23 lần, Hàn Quốc tăng 17 lần, EU tăng 8 lần; Xét về các lĩnh vực hợp tác, thương mại có mức tăng trưởng ấn tượng nhất, trung bình khoảng 17,5%/năm trong suốt giai đoạn 1995- 2012; Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với 9 đối tác chính năm 2012 bằng 81% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam (Dân việt, 20-1).
* Thông tin thị trường/doanh nghiệp khác:
Dự án điện gió Phước Hữu của Công ty TNHH Đầu tư phát triển điện gió Phước Hữu được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cấp giấy Chứng nhận đầu tư ngày 21-8-2009 với quy mô công suất 50 MW. Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 1.495 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ phải hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong 2 năm kể từ ngày cấp giấy Chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết sẽ thu hồi dự án nhà máy Điện gió này vì chậm tiến độ 4 năm (Báo Hải quan, 19-1).
Sau khi Bộ Tài chính có Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng lệ phí phân bổ và phí sử dụng kho số viễn thông (hiệu lực từ 6-2), các doanh nghiệp viễn thông tỏ ra lo lắng vì giá thành dịch vụ và một loạt chi phí hoạt động sẽ tăng. Với phí tăng từ 1.000 đồng lên 3.000-4.000 đồng theo quy định mới, tổng số tiền các doanh nghiệp phải nộp hàng năm để sử dụng đầu số có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vì vậy, có thể cước viễn thông sẽ tăng trong thời tới (VnExpress, 18-1).
Ngày 17-1, ông Nguyễn Văn Thuấn – tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản (Bộ TNMT) cho biết, hiện nay nhiều giấy phép khai khoáng đã được bán cho doanh nghiệp Trung Quốc. Ở phía Bắc có đến hơn 60% mỏ có dấu vết của các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc. Người Trung Quốc gần như đứng đằng sau điều hành việc khai khoáng (Tuổi trẻ, 18-1).
Bộ TT&TT trình Chính phủ đề án tách Mobifone ra khỏi VNPT thành Tổng Công ty Thông tin di động MobiFone. Tuy nhiên tổng công ty này sẽ cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau mà Mobifone chỉ là một thành viên. Dự định tổng ty này sẽ có 75% thuộc vốn chủ sở hữu của nhà nước, 25% còn lại sẽ kêu gọi đầu tư. Việc thành lập công ty này nhằm đảm bảo cạnh tranh với VNPT và Viettel, đồng thời nằm trong lộ trình sắp xếp doanh nghiệp viễn thông để phát triển tốt nhất trong 10 năm tới (ITC News, 20-1).
Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, sẽ có 20.000 chỗ làm chờ người lao động sau Tết. Trong số đó, lao động phổ thông chiếm 35%, lao động trình độ sơ cấp và trung cấp chiếm 40%, trình độ CĐ, ĐH và trên ĐH chiếm 25%. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động gồm: ngành dệt may – giày da, nhựa – bao bì, chế biến lương thực – thực phẩm, xây dựng, tài chính chứng khoán, bất động sản… dự kiến sẽ tăng 30% so với T1.2014 (VTV, 20-1).
* Xã hội:
Kết quả khảo sát về khả năng thành thạo tiếng Anh của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới do tổ chức giáo dục EF (Thụy Sĩ) công bố cho thấy, người Việt đứng thứ 28 (và tăng so với chính mình cách đây 6 năm) và được xếp ở nhóm trung bình cùng với một số nước châu Á khác như Ấn Độ thứ 21, Hàn Quốc 24, Indonesia 25, Nhật Bản 26 (Vietnamnet, 20-1).
GÓC NHÌN QUỐC TẾ
* Về các ngành/vùng kinh tế VN:
Năm 2013, tổng số vốn đầu tư được cấp phép mới và tăng thêm của các dự án đầu tư của Singapore vào Việt Nam đạt 4,37 tỷ USD, tăng 153% so với năm 2012. Tính đến hết năm 2013, Singapore có 1.219 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt trên 29 tỷ USD. Singapore đứng thứ 2 trong số 101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam (Chính phủ, 19-1).
VIỆT NAM HƯỚNG TỚI THỊ TRƯỜNG TOÀN CẦU
* Địa Kinh tế:
Theo khảo sát về triển vọng kinh doanh châu Á (ABOS) năm 2014 đối với 334 khách hàng của Economist Corporate Network, Trung Quốc được xếp hạng là điểm đến đầu tư hàng đầu châu Á, với 68,7% người được hỏi có kế hoạch tăng đầu tư vào nước này. Các vị trí tiếp theo trong Top 5 thuộc về Indonesia (52,6%), Ấn Độ (45,8%), Myanmar (38,7%) và Thái Lan (35%). Malaysia xếp ở vị trí thứ 6 về điểm đến đầu tư hấp dẫn tại và cải thiện môi trường đầu tư tại châu Á. 34% số người được hỏi có kế hoạch tăng đầu tư tại Malaysia trong năm nay. Việt Nam đứng thứ 7, tụt 3 bậc so với 3 năm trước đó khi chỉ 31,6% số DN được hỏi có ý định tăng đầu tư trong năm 2014.
Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết, tăng trưởng kinh tế nước này trong Q4.2013 đạt, 7,7%, cao hơn so với ước tính đạt 7,6% của các chuyên gia kinh tế. Tính chung cả năm 2013, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 7,7%, không thay đổi so với năm 2012 (Bloomberg, 20-1).
Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng 2035 mới được hãng dầu mỏ BP (Vương quốc Anh) công bố tuần qua, Trung Quốc dự kiến vượt châu Âu trở thành nền kinh tế nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới vào năm 2035. Báo cáo này dự đoán tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ tăng 41% trong giai đoạn 2012-2035, thấp hơn so với mức tăng 55% trong giai đoạn 1989-2012 (TTXVN, 18-1).
* Địa Chính trị:
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 18-1 đã cấm cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén các cuộc điện thoại của lãnh đạo các nước trên thế giới và phải thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn thông tin cá nhân của người Mỹ (Tuổi trẻ, 18-1).
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố nước này hy vọng sẽ tăng cường đối thoại với Nga về các vấn đề liên quan đến hiệp ước hòa bình, đồng thời thực hiện nhiều hơn các cuộc gặp cấp cao song phương trong năm nay. Theo kế hoạch, ông Abe sẽ đến thăm Nga vào tháng Hai tới và dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông ở Sochi (VN+, 20-1).
Ngày 19-1, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã kêu gọi các đối thoại thượng đỉnh thẳng thắn với lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc để giải quyết các tranh chấp chủ quyền và lịch sử, vốn làm tổn hại tới các quan hệ giữa các nước láng giềng (AFP, 19-1).
Ngày 19-1, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành văn bản chính sách đầu tiên trong năm nay trong đó nhấn mạnh đến chính sách ưu tiên hàng đầu của nước này trong năm 2014 sẽ là cải thiện môi trường nông thôn và duy trì an ninh lương thực. Ngoài ra, Bắc Kinh đang chú trọng vào việc làm sạch ô nhiễm đô thị sau hàng loạt vấn đề khói bụi nghiêm trọng và chống ô nhiễm nông thôn nhằm đảm bảo đủ đất canh tác, nguồn nước và lao động đáp ứng tình trạng dân số đô thị hóa ngày càng tăng (VTV, 20-1).
Trung Quốc vừa khởi động việc đóng tàu sân bay thứ hai trong số 4 chiếc theo kế hoạch tại cảng Đại Liên, đông bắc Trung Quốc và sẽ mất 6 năm để xong (VnExpress, 19-1).
Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được hoàn tất tân trang hồi T9.2012, một cột mốc mang tính biểu tượng cho sức mạnh quân sự đang gia tăng của nước này.
Theo kết quả kiểm phiếu chính thức do Ủy ban Bầu cử Trung ương Ai Cập (SEC) công bố, 98,1% người dân Ai Cập ủng hộ hiến pháp mới của nước này. Kết quả kiểm phiếu chính thức được xem là gần như trùng khớp với kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố trước đó vài ngày (Reuters, 19-1).
___
Theo VietFinance
==> Bản tin trên được đăng bởi Cty CP SX-LR-TM Bơm Động Lực (Chuyên Sản Xuất, Lắp Ráp, Nhập Khẩu, Phân Phối Máy Bơm Nước Các Loại: www.bomdongluc.com - www.dynamicpumsjsc.com)
0 nhận xét :
Đăng nhận xét